Các bước thiết kế xây dựng công trình và quy trình thẩm duyệt thiết kế

Các bước thiết kế xây dựng công trình và quy trình thẩm duyệt thiết kế theo nghị định 15

Ngày đăng: 16-10-2021

493 lượt xem

Các bước thiết kế xây dựng công trình

Bước thiết kế xây dựng - Các bước thiết kế xây dựng công trình và quy trình thẩm duyệt thiết kế

1. Tùy theo quy mô, tính chất của dự án, số bước thiết kế xây dựng được xác định tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

2. Nội dung của từng bước thiết kế xây dựng phải đáp ứng các quy định của pháp luật về xây dựng và phù hợp với mục đích, nhiệm vụ thiết kế xây dựng đặt ra cho từng bước thiết kế xây dựng.

3. Công trình thực hiện trình tự thiết kế xây dựng từ hai bước trở lên thì thiết kế bước sau phải phù hợp với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế ở bước trước. Trong quá trình lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, chủ đầu tư được quyết định việc điều chỉnh thiết kế nhằm đáp ứng hiệu quả và yêu cầu sử dụng khi không làm thay đổi về mục đích, công năng, quy mô, các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc tại quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quyết định/chấp thuận chủ trương đầu tư được phê duyệt.

4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập thiết kế xây dựng trừ các bước thiết kế xây dựng được giao cho nhà thầu xây dựng lập theo quy định của hợp đồng.

5. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định, kiểm soát thiết kế xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

Nhiệm vụ thiết kế xây dựng

1. Chủ đầu tư lập hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng.

2. Nhiệm vụ thiết kế xây dựng phải phù hợp với chủ trương đầu tư và là căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế xây dựng. Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia góp ý hoặc thẩm tra nhiệm vụ thiết kế khi cần thiết.

3. Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng bao gồm:

a) Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng;

b) Mục tiêu xây dựng công trình;

c) Địa điểm xây dựng công trình;

d) Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình;

đ) Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.

4. Nhiệm vụ thiết kế xây dựng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.

Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng

1. Quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng được quy định như sau:

a) Hồ sơ thiết kế xây dựng được lập cho từng công trình bao gồm: thuyết minh thiết kế, bản tính, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng công trình, chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình xây dựng (nếu có);

b) Bản vẽ thiết kế xây dựng phải có kích cỡ, tỷ lệ, khung tên được thể hiện theo các tiêu chuẩn áp dụng trong hoạt động xây dựng. Trong khung tên từng bản vẽ phải có tên, chữ ký của người trực tiếp thiết kế, người kiểm tra thiết kế, chủ trì thiết kế, chủ nhiệm thiết kế. Người đại diện theo pháp luật của nhà thầu thiết kế xây dựng phải xác nhận vào hồ sơ và đóng dấu của nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng là tổ chức;

c) Các bản thuyết minh, bản vẽ thiết kế xây dựng, dự toán phải được đóng thành tập hồ sơ theo khuôn khổ thống nhất, được lập danh mục, đánh số, ký hiệu để tra cứu và bảo quản lâu dài;

d) Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về quy cách, nội dung hồ sơ thiết kế xây dựng tương ứng với từng bước thiết kế xây dựng.

2. Chỉ dẫn kỹ thuật được quy định như sau:

a) Chỉ dẫn kỹ thuật là cơ sở để thực hiện giám sát thi công xây dựng công trình, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng. Chỉ dẫn kỹ thuật do nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác được chủ đầu tư thuê lập. Chỉ dẫn kỹ thuật được phê duyệt là một thành phần của hồ sơ mời thầu thi công xây dựng, làm cơ sở để quản lý thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình;

b) Chỉ dẫn kỹ thuật phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho công trình xây dựng được phê duyệt và yêu cầu của thiết kế xây dựng;

c) Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thiết kế xây dựng hoặc nhà thầu tư vấn khác thực hiện lập riêng chỉ dẫn kỹ thuật đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II. Đối với các công trình còn lại, chỉ dẫn kỹ thuật có thể được lập riêng hoặc quy định trong thuyết minh thiết kế xây dựng.

3. Hồ sơ thiết kế xây dựng là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình và phải được lưu trữ theo quy định của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng và pháp luật về lưu trữ.

Quản lý công tác thiết kế xây dựng

1. Nhà thầu thiết kế xây dựng chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế xây dựng do mình thực hiện; việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng của cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của nhà thầu thiết kế xây dựng về chất lượng thiết kế xây dựng do mình thực hiện.

2. Trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng làm tổng thầu thiết kế thì nhà thầu này phải đảm nhận những công việc thiết kế chủ yếu của công trình và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thực hiện hợp đồng với bên giao thầu. Nhà thầu thiết kế phụ chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng thiết kế xây dựng trước tổng thầu và trước pháp luật đối với phần việc do mình đảm nhận.

3. Trong quá trình thiết kế xây dựng công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, nhà thầu thiết kế xây dựng có quyền đề xuất với chủ đầu tư thực hiện các thí nghiệm, thử nghiệm mô phỏng để kiểm tra, tính toán khả năng làm việc của công trình nhằm hoàn thiện thiết kế xây dựng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn công trình.

4. Sau khi hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt theo quy định, chủ đầu tư kiểm tra khối lượng công việc đã thực hiện, sự phù hợp về quy cách, số lượng hồ sơ thiết kế xây dựng so với quy định của hợp đồng xây dựng và thông báo chấp thuận nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng bằng văn bản đến nhà thầu thiết kế xây dựng nếu đạt yêu cầu.

THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ XÂY DỰNG TRIỂN KHAI SAU THIẾT KẾ CƠ SỞ

Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

1. Chủ đầu tư tổ chức thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định (trong trường hợp người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định) theo quy định tại Điều 82 và Điều 83 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 và khoản 25 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

2. Việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện theo quy định tại các Điều 36, 37 và 38 Nghị định này.

3. Trong quá trình thẩm định, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

4. Việc thẩm tra thiết kế xây dựng đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 6 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 được quy định như sau:

a) Trong quá trình thẩm định, trường hợp báo cáo kết quả thẩm tra chưa đủ cơ sở để kết luận thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng được quyền yêu cầu bổ sung, hoàn thiện báo cáo kết quả thẩm tra;

b) Tổ chức tư vấn thẩm tra phải độc lập về pháp lý, tài chính với chủ đầu tư và với các nhà thầu tư vấn lập thiết kế xây dựng;

c) Nội dung Báo cáo kết quả thẩm tra quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục I Nghị định này. Các bản vẽ được thẩm tra phải được đóng dấu theo quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định này.

5. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng, văn bản của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm cơ sở phê duyệt thiết kế. Kết quả thẩm định và phê duyệt của chủ đầu tư được thể hiện tại Quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định này.

6. Việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được thực hiện với toàn bộ các công trình hoặc từng công trình của dự án hoặc bộ phận công trình theo giai đoạn thi công công trình theo yêu cầu của chủ đầu tư nhưng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ về nội dung, cơ sở tính toán trong các kết quả thẩm định.

Thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Đối với công trình xây dựng thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với công trình xây dựng thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này, cụ thể:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với công trình thuộc các dự án sau đây: dự án do Thủ tướng Chính phủ giao; dự án quan trọng quốc gia; dự án nhóm A; dự án nhóm B do người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên; dự án nhóm C thuộc chuyên ngành quản lý, do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (mà cơ quan chuyên môn về xây dựng này trực thuộc) quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư; trừ công trình quy định tại điểm c khoản này;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ công trình quy định tại điểm a khoản này;

c) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chi Minh thẩm định đối với công trình thuộc dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư.

2. Đối với công trình xây dựng thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với công trình xây dựng thuộc dự án có quy mô từ nhóm B trở lên, dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này, cụ thể:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với công trình thuộc các dự án sau đây: dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án nhóm B do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, người đứng đầu tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư; dự án có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên; dự án nhóm C thuộc chuyên ngành quản lý, do Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (mà cơ quan chuyên môn về xây dựng này trực thuộc) quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư; trừ công trình quy định tại điểm c khoản này;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ công trình quy định tại điểm a khoản này;

c) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thẩm định đối với công trình thuộc dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư.

3. Đối với dự án PPP, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với công trình xây dựng thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này, cụ thể:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với công trình thuộc các dự án sau đây: dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, cơ quan khác theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư phê duyệt dự án hoặc phân cấp, ủy quyền phê duyệt dự án; dự án có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án PPP được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ công trình quy định tại điểm a khoản này.

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định công trình xây dựng thuộc chuyên ngành quản lý theo quy định tại Điều 109 Nghị định này đối với công trình thuộc dự án được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, cụ thể:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với công trình thuộc dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, gồm: dự án có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên;

b) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định đối với công trình thuộc dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng, trừ công trình quy định tại điểm a khoản này.

5. Đối với dự án hỗn hợp gồm nhiều loại công trình khác nhau, thẩm quyền thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được xác định theo chuyên ngành quản lý quy định tại Điều 109 Nghị định này đối với công năng phục vụ của công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính.

Trường hợp dự án có nhiều công trình cùng loại với nhiều cấp khác nhau, cơ quan thẩm định là cơ quan có trách nhiệm thẩm định công trình có cấp cao nhất của dự án.

6. Việc thẩm định bước thiết kế FEED phục vụ lựa chọn nhà thầu trong trường hợp thực hiện hình thức hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình (sau đây gọi là thiết kế mời thầu EPC) hoặc bước thiết kế khác triển khai theo thông lệ quốc tế quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 82 của Luật Xây dựng năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 24 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 của cơ quan chuyên môn về xây dựng được quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định theo các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 83a đã được bổ sung tại khoản 26 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14 (sau đây gọi là Điều 83a của Luật Xây dựng) đối với hồ sơ thiết kế xây dựng trình thẩm định có đủ các nội dung theo quy định tại Điều 80 của Luật Xây dựng năm 2014;

b) Trường hợp hồ sơ thiết kế mời thầu EPC không có đủ các nội dung theo quy định tại Điều 80 của Luật Xây dựng năm 2014 để có cơ sở đánh giá về yếu tố an toàn xây dựng, an toàn phòng, chống cháy nổ, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3, trừ các nội dung quy định tại điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 83a của Luật Xây dựng làm cơ sở cho chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt thiết kế mời thầu EPC. Đồng thời, tại văn bản thông báo kết quả thẩm định đưa ra yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục trình thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế mời thầu có đủ các nội dung để cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bổ sung các nội dung quy định tại các điểm c và điểm đ khoản 2 Điều 83a của Luật Xây dựng.

Tại văn bản thông báo kết quả thẩm định bổ sung, cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư gửi hồ sơ, giấy tờ chứng minh việc đáp ứng điều kiện về cấp phép xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương kèm theo thông báo khởi công để theo dõi, quản lý theo quy định tại Điều 56 Nghị định này đối với các thiết kế xây dựng đủ điều kiện phê duyệt và thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.

Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Người đề nghị thẩm định trình 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng để tổ chức thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

2. Hồ sơ trình thẩm định phải bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với nội dung đề nghị thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định được xem là hợp lệ khi bảo đảm các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này, đúng quy cách, được trình bày với ngôn ngữ chính là tiếng Việt và được người đề nghị thẩm định kiểm tra, xác nhận. Phần hồ sơ thiết kế kiến trúc trong hồ sơ thiết kế xây dựng (nếu có) cần tuân thủ quy định theo pháp luật về kiến trúc.

3. Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm:

a) Tờ trình thẩm định quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục I Nghị định này;

b) Các văn bản pháp lý kèm theo, gồm: quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo (nếu có); báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng của Nhà thầu tư vấn thẩm tra được chủ đầu tư xác nhận (nếu có yêu cầu); văn bản thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, kết quả thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có yêu cầu) và các văn bản khác có liên quan;

Thủ tục về phòng cháy chữa cháy được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, song phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định;

c) Hồ sơ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt; hồ sơ thiết kế xây dựng của bước thiết kế xây dựng trình thẩm định;

d) Mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu khảo sát, nhà thầu lập thiết kế xây dựng, nhà thầu thẩm tra; mã số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các chức danh chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì các bộ môn thiết kế; chủ nhiệm, chủ trì thẩm tra; Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài (nếu có);

đ) Đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công có yêu cầu thẩm định dự toán xây dựng, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này, hồ sơ phải có thêm dự toán xây dựng; các thông tin, số liệu về giá, định mức có liên quan để xác định dự toán xây dựng; báo giá, kết quả thẩm định giá (nếu có).

 Quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định theo quy định tại Điều 37 Nghị định này. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm:

a) Xem xét, gửi văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ trình thẩm định đến người đề nghị thẩm định (nếu cần, việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu một lần trong quá trình thẩm định). Trường hợp cần lấy ý kiến phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan thẩm định yêu cầu người trình thẩm định bổ sung hồ sơ đối với những nội dung lấy ý kiến;

b) Trả lại hồ sơ thẩm định trong trường hợp từ chối tiếp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan chuyên môn về xây dựng, nếu người đề nghị thẩm định không thực hiện việc bổ sung hồ sơ thì cơ quan thẩm định dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.

3. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm tổ chức thẩm định theo cơ chế một cửa liên thông bảo đảm đúng nội dung theo quy định của Luật số 62/2020/QH14.

4. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng có quyền tạm dừng thẩm định (không quá 01 lần) và thông báo kịp thời đến người đề nghị thẩm định các lỗi, sai sót về thông tin, số liệu trong nội dung hồ sơ dẫn đến không thể đưa ra kết luận thẩm định. Trường hợp các lỗi, sai sót nêu trên không thể khắc phục được trong thời hạn 20 ngày thì cơ quan chuyên môn về xây dựng dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.

5. Kết quả thẩm định phải có đánh giá, kết luận về việc đáp ứng yêu cầu đối với từng nội dung thẩm định theo quy định tại Điều 83a của Luật Xây dựng, các yêu cầu đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đối với dự án PPP. Kết quả thẩm định được gửi cho người đề nghị thẩm định để tổng hợp, đồng thời gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương để theo dõi, quản lý.

Đối với các thiết kế xây dựng đủ điều kiện phê duyệt và thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, kết quả thẩm định phải bổ sung nội dung yêu cầu chủ đầu tư gửi hồ sơ, giấy tờ chứng minh việc đáp ứng điều kiện về cấp giấy phép xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng ở địa phương kèm theo thông báo khởi công để theo dõi, quản lý theo quy định tại Điều 56 Nghị định này.

Mẫu văn bản thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục I Nghị định này.

6. Việc đóng dấu, lưu trữ hồ sơ thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 15 Nghị định này.

7. Thời gian thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:

a) Không quá 40 ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt;

b) Không quá 30 ngày đối với công trình cấp II và cấp III;

c) Không quá 20 ngày đối với công trình còn lại.

Thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định này thực hiện việc thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh đối với các trường hợp:

a) Điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực và biện pháp tổ chức thi công có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình;

b) Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu điều chỉnh thiết kế cơ sở.

2. Việc thẩm tra thiết kế xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định này.

3. Đối với thiết kế xây dựng điều chỉnh, bổ sung không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.

4. Việc điều chỉnh dự toán xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

5. Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng công trình điều chỉnh:

a) Các thành phần hồ sơ quy định tại Điều 37 Nghị định này;

b) Báo cáo tình hình thực tế thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư (trường hợp công trình đã thi công xây dựng).

Phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

1. Việc phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư được thể hiện tại quyết định phê duyệt, gồm các nội dung chủ yếu như sau:

a) Người phê duyệt;

b) Tên công trình hoặc bộ phận công trình;

c) Tên dự án;

d) Loại, cấp công trình;

đ) Địa điểm xây dựng;

e) Nhà thầu lập báo cáo khảo sát xây dựng;

g) Nhà thầu lập thiết kế xây dựng;

h) Đơn vị thẩm tra thiết kế xây dựng;

i) Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật; các giải pháp thiết kế nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên (nếu có);

k) Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình;

l) Giá trị dự toán xây dựng theo từng khoản mục chi phí;

m) Các nội dung khác.

2. Mẫu quyết định phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục I Nghị định này.

3. Trong trường hợp thực hiện quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực hoặc Ban quản lý dự án một dự án, Chủ đầu tư được ủy quyền cho Ban quản lý dự án trực thuộc phê duyệt thiết kế xây dựng.

4. Người được giao phê duyệt thiết kế xây dựng đóng dấu, ký xác nhận trực tiếp vào hồ sơ thiết kế xây dựng được phê duyệt (gồm thuyết minh và bản vẽ thiết kế). Mẫu dấu phê duyệt thiết kế xây dựng quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định này.

GỌI NGAY – 0903649782 - 028 35146426 

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN 

CÔNG TY CP TV ĐẦU TƯ VÀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG MINH PHƯƠNG

Địa chỉ: 28 B Mai Thị Lựu, P Đa Kao, Q 1, TPHCM

Chi nhánh: 2.14 Chung cư B1,số 2 Trường Sa, P 17, Q Bình Thạnh, TPHCM

ĐT: (08) 35146426 - (08) 22142126  – Fax: (08) 39118579 - Hotline 090 3649782 - 0907957895

 

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha